Một độc giả đã đã gửi tới câu hỏi “Có xác nhận cha mẹ con khi cha mẹ đã mất được không?” với tình huống cụ thể sau: Con tôi chung sống với một người và sinh được một cháu trai. Cả hai chưa lấy nhau nhưng hiện đã mất, vậy tôi có thể thực hiện thủ tục để xác nhận hai người là bố mẹ của cháu tôi được không?
Trong trường hợp này, ông bà của trẻ hoàn toàn có thể yêu cầu Tòa án xác định cha mẹ cho trẻ theo thủ tục tố tụng. Thông tin giải đáp chi tiết về thủ tục xác nhận cha mẹ con khi cha mẹ đã mất, mời bạn đọc tham khảo chi tiết trong bài viết NOVAGEN chia sẻ sau!
1. Cha mẹ đã mất có thực hiện được thủ tục xác nhận cha mẹ con không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 90 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.
Trong trường hợp có yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết thì người thân thích của người này có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con cho người yêu cầu đã chết (Theo Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Từ những quy định trên, có thể thấy rằng ông bà nội hoặc ông bà ngoại của trẻ hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho trẻ trong trường hợp cha mẹ đã chết.
2. Thẩm quyền, thủ tục xác nhận cha mẹ con khi cha mẹ đã mất
Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con được quy định chi tiết tại Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 với nội dung cụ thể như sau:
1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.
2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.
Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Trong trường hợp này, thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con không thuộc về cơ quan đăng ký hộ tịch mà sẽ thuộc về Tòa án. Theo đó, người có yêu cầu phải gửi hồ sơ khởi kiện dân sự yêu cầu Tòa án xác nhận cha, mẹ, con tới Tòa án có thẩm quyền. Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
1. Đơn khởi kiện (Mẫu số 23 – DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ – HĐTP do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành ngày 13//01/2017).
2. Kèm theo đơn khởi kiện phải có các giấy tờ, tài liệu sau:
- CCCD, sổ hộ khẩu của các bên;
- Giấy khai sinh của người con cần xác định (bản sao chứng thực);
- Giấy tờ chứng minh rằng giữa người yêu cầu và người bị yêu cầu có quan hệ cha, mẹ, con (Thông thường sẽ là bản kết quả xét nghiệm ADN pháp lý);
Lưu ý: Vì trong trường hợp cha mẹ của trẻ đã mất nên sẽ không thể chung cấp bằng chứng là kết quả xét nghiệm ADN cha con, mẹ con trực hệ. Do đó, có thể thực hiện lấy mẫu xét nghiệm ADN của người thân (ông bà nội ngoại) để xác nhận quan hệ.
Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì sẽ giải quyết theo trình tự quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự.
Qua quá trình giải quyết, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận hoặc bản án công nhận quan hệ cha, mẹ, con. Tiếp đến, người có yêu cầu xác định cha, mẹ, con sẽ mang quyết định của Tòa án đến cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
>>> Xem thêm: Có được đăng ký nhận cha con khi con đã mất không?
3. Kết luận
Tóm lại, dù cha mẹ qua đời thì thủ tục xác nhận cha mẹ con vẫn có thể thực hiện được. Trong trường hợp con chưa thành niên thì ông bà nội hoặc ông bà ngoại của con hoàn toàn có thể làm đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con khi cha, mẹ đã mất.