Thắc mắc: Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ chồng sau ly hôn như thế nào? Chồng có phải cấp dưỡng cho vợ con sau ly hôn hay không?
Dưới đây là trường hợp của độc giả K.L gửi về: “Đôi chân của em gái ruột tôi bị liệt hoàn toàn do tai nạn lao động, hiện tại tôi không thể tiếp tục lao động kiếm tiền, tôi và gia đình đều đã định cư nước ngoài nên cũng không có người thân nào có thể ở cạnh em gái tôi hiện giờ. Vậy khi ly hôn em gái tôi có thể yêu cầu em rể cũ của tôi cấp dưỡng cho em hay không?”
Dưới đây là phần giải đáp chi tiết cho câu hỏi: Chồng có phải cấp dưỡng cho vợ con sau ly hôn hay không, nếu có thì cấp dưỡng bao nhiêu, hình thức cấp dưỡng thế nào, bao giờ chấm dứt cấp dưỡng.
Nội dung:
I. Chồng có phải cấp dưỡng cho vợ con sau ly hôn hay không?
Trả lời:
- Chồng cấp dưỡng cho vợ sau ly hôn trong trường hợp: Vợ khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình – căn cứ theo Điều 115 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định.
- Chồng cấp dưỡng cho con chung sau ly hôn trong trường hợp: Chồng không trực tiếp nuôi con, trong đó con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con – căn cứ theo Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định.
Cấp dưỡng là gì? Theo khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cấp dưỡng có thể hiểu là việc vợ hoặc chồng chu cấp tiền, tài sản cho người còn lại hoặc con chung của hai bên sau khi ly hôn. Nhằm đảm bảo cuộc sống ở mức tối thiểu cho người đó trong trường hợp: con chung chưa thành niên, con chung đã thành niên hoặc vợ/chồng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; hoặc đang túng thiếu.
Nghĩa vụ cấp dưỡng là gì? Căn cứ theo Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
- Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
- Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
- Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.
1. Cấp dưỡng cho vợ sau khi ly hôn
Như vậy, theo câu hỏi mà độc giả gửi tới, người vợ bị liệt hoàn toàn do tai nạn lao động, không còn khả năng lao động và cũng không có tài sản để đảm bảo cuộc sống sau khi ly hôn, rơi vào hoàn cảnh túng thiếu, khó khăn thì vợ có quyền yêu cầu chồng cấp dưỡng cho vợ – căn cứ theo Điều 115 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Tuy nhiên, việc chồng cấp dưỡng cho vợ sau khi ly hôn không phải nghĩa vụ hiển nhiên mà cần chứng minh: Bên được cấp dưỡng khó khăn, túng thiếu, có yêu cầu cấp dưỡng và có lý do chính đáng. Đây là căn cứ để Tòa quyết định nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn.
Trong đó:
- Khó khăn, túng thiếu ở đây là không có đủ khả năng lao động để duy trì cuộc sống của mình và đồng thời không có tài sản đảm bảo cuộc sống
- Lý do chính đáng dẫn đến túng thiếu và khó khăn phải là những lý do như: ốm đau, tai nạn, già yếu,…
- Nếu có khó khăn, túng thiếu thật sự nhưng không có lý do chính đáng như nghiện hút, cờ bạc, lười biếng… thì sẽ không được nhận cấp dưỡng.
Nếu vợ rơi vào hoàn cảnh túng thiếu, khó khăn, không có tài sản, mất khả năng lao động thì có thể thỏa thuận với chồng để được nhận cấp dưỡng, hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết cấp dưỡng
Tuy nhiên trong trường hợp chồng không thể nuôi được bản thân, không có khả năng cấp dưỡng thì không có trách nhiệm cấp dưỡng.
2. Cấp dưỡng cho con chung sau khi ly hôn
Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.
Như vậy, với vợ chồng sau khi ly hôn, hoặc nam nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, bên không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chung. Đối tượng được cấp dưỡng gồm: Con chưa thành niên và con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
II. Mức cấp dưỡng cho vợ chồng và con chung sau khi ly hôn là bao nhiêu?
Trả lời: Mức cấp dưỡng giữa vợ chồng với nhau hoặc vợ/chồng với con chung sẽ do hai bên thỏa thuận, nhưng phải căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của bên có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của bên được cấp dưỡng. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì hai bên có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.
Căn cứ Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
- Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
III. Phương thức cấp dưỡng cho vợ chồng và con chung
Trả lời: Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về phương thức cấp dưỡng như sau:
Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.
Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Chi tiết về cấp dưỡng một lần: Khoản 2 Điều 18 Nghị định 70/2001 của Chính phủ
IV. Khi nào chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng đối với vợ chồng và con chung?
Trả lời: Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng trong các trường hợp sau đây:
- Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;
- Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
- Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;
- Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;
- Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;
- Trường hợp khác theo quy định của luật.
Điều 117 còn quy định về thay đổi phương thức cấp dưỡng và tạm ngừng cấp dưỡng:
“Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.
Trong đó, tình trạng khó khăn về kinh tế ở đây phải có thật và vì những lý do chính đáng: mất mùa, thiên tai, tai nạn, ốm đau,…
V. Kết luận
Chồng có phải cấp dưỡng cho vợ con sau ly hôn hay không? Chồng cấp dưỡng cho vợ trong khả năng của mình với trường hợp vợ khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng. Chồng cấp dưỡng cho con trong trường hợp không trực tiếp nuôi con, trong đó con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Tham khảo văn bản pháp luật tại CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ VĂN BẢN PHÁP LUẬT