Mẹ bầu “hưởng lợi” như thế nào với chế độ thai sản mới?

Sáng 29/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội khóa XV thông qua với 454/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. So với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có nhiều thay đổi để có thể hướng tới các mục tiêu lớn hơn. Trong đó, chế độ thai sản mới theo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 không chỉ mở rộng các đối tượng được hưởng mà còn nâng cao đáng kể quyền lợi cho người lao động.

Mẹ bầu "hưởng lợi" như thế nào với chế độ thai sản mới?
Mẹ bầu “hưởng lợi” như thế nào với chế độ thai sản mới?

1. Chế độ thai sản mới mang lại những lợi ích gì cho phụ nữ mang thai?

Về cơ bản thì chế độ thai sản theo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) kế thừa hầu hết các quy định của chế độ thai sản hiện hành theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Tuy nhiên, chế độ thai sản mới theo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có bổ sung thêm nhiều quyền lợi cho người giao động hơn. Cụ thể:

1.1. Chế độ thai sản mới: Tăng thời gian nghỉ khám thai

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động nữ mang thai sẽ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần (mỗi lần 1 ngày). Trong trường hợp ở xa so với cơ sở khám chữa bệnh hoặc lao động nữ mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì sẽ được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai.

Và theo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì thời gian nghỉ khám thai đã được quy định rõ là 2 ngày đối với mọi trường hợp: “Lao động nữ mang thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để đi khám thai tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày”.

1.2. Tăng quyền lợi nghỉ thai sản khi sảy thai

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người lao động nữ mang thai sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tối đa 50 ngày khi sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung với điều kiện thai đủ từ 25 tuần tuổi trở lên.

Tuy nhiên, Luật sửa đổi mới đã điều chỉnh giảm điều kiện này xuống, chỉ cần thai đủ từ 22 tuần tuổi trở lên là người lao động nữ đã được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tối đa 50 ngày.

Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) còn bổ sung thêm cả trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh có thai chết trong tử cung, thai chết khi chuyển dạ thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản và trợ cấp một lần khi sinh con sẽ được tính theo số thai (gồm cả con sống, con chết, thai chết).

1.3. Chế độ thai sản mới: Bổ sung thêm cách tính trợ cấp thai sản

Về cơ bản, trợ cấp thai sản được quy định tại Điều 59 Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vẫn sẽ giữ nguyên các quy định như Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và chỉ bổ sung thêm cách tính trợ cấp thai sản đối với trường hợp lao động nữ mang thai hộ và lao động nữ nhờ mang thai hộ.

1.4. Phục hồi sức khỏe, dưỡng sức sau thai sản

Nội dung này về cơ bản không có thay đổi so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, chỉ bổ sung thêm việc làm rõ quyền quyết định cho lao động nữ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cụ thể sẽ do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định.

Nếu hai bên có ý kiến khác nhau, người sử dụng lao động sẽ quyết định số ngày nghỉ dựa trên đề nghị của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở. Trong trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì quyền quyết định thuộc về người sử dụng lao động.

Ngoài ra lao động nữ thì Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) còn điều chỉnh thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam khi vợ sinh con. Trong đó:

  • Bổ sung thêm trường hợp vợ sinh ba trở lên phải phẫu thuật thì người lao động nam được nghỉ thêm 3 ngày làm việc cho mỗi con, tính từ con thứ ba trở đi.
  • Nới rộng khung thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ trong khoảng 30 ngày đầu khi vợ sinh lên trong khoảng 60 ngày đầu khi vợ sinh và cho phép nghỉ nhiều lần, miễn là tổng thời gian nghỉ không quá thời gian quy định.

>>> Xem thêm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)​ chính thức thông qua với 6 điểm mới quan trọng liên quan đến người lao động

2. Chế độ thai sản mới thúc đẩy thực hiện “Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030”

Ngoài những lợi ích trực tiếp kể trên thì mở rộng hơn, chế độ thai sản mới theo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cả người mẹ mang thai, người mẹ vừa sinh con, thai nhi trong bụng, trẻ sơ sinh. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong việc thúc đẩy thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán và điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020. Đây là chương trình được ban hành để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đối tượng, nâng cao nhận thức về sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn cho nam, nữ chuẩn bị kết hôn.

Cụ thể hơn trong trường hợp này thì khi phụ nữ mang thai được hưởng quyền lợi theo chế độ thai sản mới, họ có thể dành nhiều thời gian hơn để đọc, tìm hiểu và nâng cao nhận thức hơn về việc sàng lọc trước sinh. Từ đó, chủ động thực hiện các xét nghiệm sàng lọc dị tật trong thai kỳ khi ngày nghỉ được tăng thêm như siêu âm thai ở các mốc quan trọng, xét nghiệm Double Test, xét nghiệm Triple Test và xét nghiệm NIPT. Xét nghiệm NIPT hiện nay là phương pháp xét nghiệm có khả năng sàng lọc 140+ hội chứng liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể của thai nhi, đặc biệt là những hội chứng ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của trẻ như Down, tan máu bẩm sinh Thalassemia,…

Đây là những xét nghiệm được khuyên thực hiện vì quan trọng cho cả phụ nữ mang thai lẫn thai nhi trong bụng. Cụ thể, thực hiện sàng lọc dị tật trước sinh sớm sẽ mang lại những lợi ích như:

  • Phát hiện được sớm các hình thái bất thường hoặc các nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh để đưa ra được biện pháp chẩn đoán phù hợp.
  • Giúp người mẹ mang thai cảm thấy yên tâm hơn trong thai kỳ vì có thể theo dõi được sức khỏe của thai nhi trong bụng.
  • Phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh sau khi thực hiện tiếp các xét nghiệm chẩn đoán sẽ giúp người mẹ mang thai chuẩn bị được tâm lý tốt hơn và giúp cho các bác sĩ có thể đưa ra các phương án can thiệp, điều trị kịp thời, giảm thiểu rủi ro cho mẹ và bé.

>>> Xem thêm:

3. Kết luận

Việc điều chỉnh chế độ thai sản mới mang lại lợi ích to lớn không chỉ đối với từng cá nhân và gia đình mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển của quốc gia. Đối với các cá nhân, chế độ này giúp lao động nữ mang thai, lao động nam có vợ sinh con có thêm thời gian khám thai, thời gian nghỉ dưỡng, thời gian chăm con,… từ đó góp phần nâng cao hạnh phúc gia đình.

Ở cấp độ quốc gia, việc đảm bảo sức khỏe cho phụ nữ mang thai, phụ nữ trong quá trình nghỉ thai sản, thai nhi và trẻ sơ sinh thông qua chế độ thai sản mới và các chương trình y tế đi kèm như tầm soát, chẩn đoán trước sinh, giúp giảm thiểu các bệnh lý và tật bẩm sinh giúp giảm thiểu gánh nặng về mặt y tế, xã hội. Một thế hệ trẻ em khỏe mạnh không chỉ góp phần làm giàu nguồn lực nhân sự trong tương lai mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của toàn dân tộc.

Tóm lại, sự điều chỉnh về chế độ thai sản Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) không chỉ bảo vệ quyền lợi cho người lao động mà còn góp phần đặt nền móng cho một xã hội phát triển hơn.