Chiến tranh đã lùi xa vài thập kỷ, song có những nỗi đau đớn vẫn còn nguyên vẹn chưa thể nguôi ngoai. Hiện nay theo thống kê vẫn còn tới 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập, gần 300.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Được đón các liệt sĩ về với quê hương là niềm mong mỏi lớn nhất của gia đình, thân nhân các liệt sĩ.
Nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chính thức công bố kế hoạch triển khai Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ nhằm lưu trữ toàn bộ thông tin liệt sĩ đã và đang được tìm kiếm. Song song với đó là thu thập mẫu gen thân nhân 300.000 liệt sĩ còn “khuyết danh” để lưu trữ, so sánh đối chiếu trong quá trình giám định ADN hài cốt liệt sĩ.
Nội dung:
1. Những khó khăn trong việc giám định thông tin liệt sĩ
Công tác tìm kiếm, giám định hài cốt liệt sĩ luôn được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Từ công tác khai quật, giám định, vận hành hệ thống trang web lietsi.com (Tìm mộ liệt sĩ), tổ chức chuỗi chương trình “Đi tìm đồng đội” trên truyền hình Quốc gia (VTV),… tất cả đều nhằm mục đích mang các liệt sĩ về lại quê hương, bên gia đình.
Tuy nhiên cho tới nay, việc giám định thông tin liệt sĩ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có 2 vấn đề chính: một là hài cốt liệt sĩ đã bị phân hủy đáng kể dẫn tới khó xét nghiệm ADN, hai là số lượng thân nhân liệt sĩ hiện nay đã không còn nhiều.
a. Hài cốt liệt sĩ đã phân hủy đáng kể
Việc giám định hài cốt liệt sĩ phụ thuộc vào chất lượng mẫu xương thu được. Bởi vì điều kiện chôn cất trong chiến tranh rất sơ sài, thời gian chôn đã lâu (trên 30 năm) khiến cho mẫu hài cốt liệt sĩ thu được đều đã phân hủy gần như toàn bộ, trong mẫu xương thu được chỉ còn một lượng rất nhỏ ADN có thể tách chiết và xét nghiệm.
Bên cạnh đó, những hạn chế trong kỹ thuật tìm kiếm, bảo quản và phân tách mẫu hài cốt liệt sĩ cũng là nguyên nhân góp phần khiến việc xét nghiệm ADN không lên được kết quả.
b. Số lượng thân nhân liệt sĩ không còn nhiều
Một khó khăn nữa của việc giám định thông tin liệt sĩ đó là số lượng thân nhân liệt sĩ đang không còn nhiều, dẫn tới có không ít hài cốt liệt sĩ đã tìm thấy song không thể đối chứng, so sánh với ai trong gia đình.
Trong giám định hài cốt liệt sĩ, đối tượng thân nhân dùng để so sánh chỉ bao gồm mẹ ruột và người thân bên họ ngoại (bà ngoại, dì/ bác gái, cậu/ bác trai, anh chị em ruột cùng mẹ,…). Trên phương diện khoa học, ADN có trong mẫu hài cốt là ADN ty thể và ADN ty thể thì chỉ di truyền theo dòng mẹ. Cũng có nghĩa là đối tượng thân nhân có thể đối chứng, so sánh với mẫu ADN hài cốt liệt sĩ rất hạn chế.
Phần lớn liệt sĩ khi rời quê hương lên đường chiến đấu và hy sinh đều là những thanh niên trẻ chưa có gia đình, con cái, do đó gần như thân nhân của họ (mẹ, chị em gái, dì, cậu, bác,…) đều đã bước vào tuổi gần đất xa trời.
Hiện nay có một số lượng không nhỏ hài cốt liệt sĩ đã truy tìm được thông tin, xét nghiệm ADN nhưng vẫn chưa thể xác định được thân nhân bởi tất cả người thân đều đã qua đời.
Trên đây là hai trong số những nguyên do khiến công tác giám định hài cốt liệt sĩ hiện nay gặp nhiều khó khăn. Số lượng gần 300.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin là một thách thức không nhỏ đối với Nhà nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan.
Cùng đọc lại bài viết 30/4 – ADN & trách nhiệm của một thế hệ để hiểu thêm về những khó khăn trong việc tìm kiếm và xác định thông tin hài cốt liệt sĩ.
2. Ra mắt Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ & thân nhân
Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ & thân nhân nằm trong Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), nhằm xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia hoàn thiện về hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ.
Trong đó, mẫu ADN hài cốt chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ chưa xác định thông tin đều sẽ được tiến hành thu mẫu, giám định và lưu trữ dưới dạng số hóa trong ngân hàng gen.
Việc thành lập ngân hàng Gen được coi là giải pháp căn cơ để giải quyết, xác định danh tính, trả lại tên cho 300.000 liệt sĩ. Khi có ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ & thân nhân, ngay cả trong trường hợp thân nhân liệt sĩ đã qua đời, trong ngân hàng vẫn có đầy đủ dữ liệu ADN để tiến hành đối chiếu, so sánh.
Việc thành lập ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ & thân nhân là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Tuy nhiên đây cũng là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và gian nan, đặc biệt cần phải chạy đua với thời gian, thực hiện càng nhanh càng tốt.
Hiện nay, mới chỉ có hơn 25.000 dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân được tiến hành lưu trữ – đây là một con số vẫn còn khiêm tốn nếu so với số lượng hơn 300.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
Việc thành lập ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ & thân nhân được coi là dấu mốc mới trên hành trình “trả lại tên” cho liệt sĩ, mở ra hy vọng xác định được danh tính cho hơn 300.000 ngôi mộ liệt sĩ đã được quy tập nhưng chưa xác định được thông tin.
Hành trình tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin chắc chắn đã, đang và sẽ là một hành trình dài với rất nhiều khó khăn. Song với việc chính thức thành lập Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ & thân nhân, chúng ta có quyền hy vọng vào những bước tiến mới trên con đường mang các anh hùng của Tổ quốc được về với quê hương.