Với hầu hết mọi người, dịp lễ 30/4 là cơ hội đi chơi, đi du lịch, nghỉ xả hơi dài ngày đầy háo hức. Còn với những người làm việc “thực sự” trong ngành ADN nói riêng và ngành dịch vụ xét nghiệm công nghệ sinh học như NOVAGEN lại có nhiều suy nghĩ khác thường hơn một chút.
Để có được ngày lễ kỷ niệm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước này và cả trong một số dịp kỷ niệm tương tự, trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta vẫn nghe, vẫn lướt qua những nội dung về việc ghi nhớ công lao, sự hi sinh của những chiến sĩ anh dũng đã bỏ mình vì nền độc lập tự do mà chúng ta đang được hưởng như thế nào.
Nhưng có bao nhiêu người bình thường nhất là với giới trẻ, nghĩ rằng chúng ta cần gìn giữ ra sao? Tự hào thế nào và trân trọng những thứ đang có được sao cho xứng đáng với những hy sinh đó?
Và xa hơn, có bao nhiêu người nghĩ đến việc cần làm gì để thực sự trân trọng và “trả ơn” ít nhiều cho sự hi sinh của những anh hùng đã nằm xuống hay người thân của họ, cho niềm hạnh phúc chúng ta đang có.
Nguyện vọng lớn nhất của những chiến sĩ đã nằm xuống vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm đó và cả người thân của họ NOVAGEN khá chắc rằng: ĐƯỢC TRỞ VỀ NHÀ. Được trở về quê hương của mình.
Nhiều năm trôi qua, câu chuyện đi tìm hài cốt, giám định hài cốt để đưa các anh về quê hương của mình, để bố mẹ, anh chị em, người thân của họ có thể yên tâm, một chút an ủi rằng con/em mình đã về nhà dù luôn được nhà nước quan tâm cực kỳ sâu sắc nhưng vẫn là câu chuyện nan giải.
Theo thống kê tới tháng 7/2023, Việt Nam có 1.460.250 liệt sĩ. Trong đó đáng nói là hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy, và hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa tìm được nhân thân – chưa trở về được quê hương.
Cục Người có công thuộc Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội đã và đang xúc tiến cực kỳ mạnh mẽ việc tìm kiếm – giám định hài cốt liệt sĩ và nhân thân để đưa các anh về bên gia đình.
Cục hợp tác với nhiều nước trên thế giới để có thể hướng tới sử dụng những công nghệ mới nhất – hiện đại nhất trong việc giám định ADN luôn luôn được triển khai liên tục. Tuy nhiên luôn tồn tại những vấn đề nan giải như là:
- Việc giám định ADN hài cốt phụ thuộc rất nhiều chất lượng mẫu. Nhiều chiến sĩ được chôn cất vội vàng ở những nơi mà điều kiện bảo quản khắc nghiệt dẫn tới khó còn được dấu tích ADN để giám định
- Số hài cốt chưa tìm thấy vẫn còn quá lớn như con số đã nói phía trên
- Vấn đề nan giải và trở lên cấp bách trong những năm gần đây: Người thân của các chiến sĩ không còn nhiều.
Nói riêng vấn đề thứ 3, để giám định ADN cần có mẫu đối chiếu, xét nghiệm ADN hài cốt là xét nghiệm ty thể theo dòng mẹ. Tức cần có mẫu ADN của mẹ, chị gái, cậu, dì/ bác gái ruột của chiến sĩ để đối chiếu khi giám định. Nhưng rất nhiều trường hợp, thân nhân của các chiến sĩ cũng đã tới tuổi gần đất xa trời. Nếu họ cũng nghỉ ngơi trong đất mẹ thì dù tìm thấy được các chiến sĩ cũng khó mà xác định được ADN nữa.
Vậy giờ phải làm sao?
Thiết nghĩ, cần phải có sự lưu trữ kết quả ADN của những trường hợp kể trên thành một thư viện ADN thân nhân liệt sĩ. Điều đó không chỉ đem lại sự nhanh chóng trong quá trình giám định ADN hài cốt, so sánh xác minh dễ dàng hơn. Mà với những người mẹ, người thân của các chiến sĩ dù có ra sao cũng vẫn còn 1 hy vọng, 1 sự yên tâm, nếu sau này các anh được tìm thấy thì sẽ được đưa trở về quê hương cho dù họ không nhìn thấy ngày đó.
Công việc còn rất nhiều, trách nhiệm còn rất lớn. Nhưng không phải vì không có sức, không có khả năng mà thế hệ chúng ta quên mất, bỏ qua nhiệm vụ này. Ít nhất, nếu có thể, hãy phổ biến, lan truyền những kiến thức dễ dàng này để thân nhân, người thân của các chiến sĩ hiểu được – để lại được thẻ ADN để giúp xác định hài cốt liệt sĩ trong tương lai.
Trên đây là vài lời tâm sự của NOVAGEN tới những người đọc được bài viết này trong tinh thần của dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay. Chúc quý khách hàng – đối tác của NOVAGEN có một kỳ nghỉ lễ thật vui vẻ – hạnh phúc – an toàn bên người thân và gia đình!
Trân trọng!