Tích hợp thông tin ADN vào cơ sở dữ liệu căn cước

Từ ngày 1/7/2024, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Bộ Công an) đã tiến hành triển khai Luật Căn cước và công bố dịch vụ xác thực điện tử. Theo đó, ngoài những thông tin bắt buộc phải cung cấp như sinh trắc học khuôn mặt, vân tay, mống mắt thì người dân có thể tích hợp giọng nói, tích hợp thông tin ADN vào cơ sở dữ liệu căn cước một cách tự nguyện.

Tích hợp thông tin ADN vào cơ sở dữ liệu căn cước
Tích hợp thông tin ADN vào cơ sở dữ liệu căn cước

1. ADN và thông tin sinh trắc học về ADN

ADN hay DNA (deoxyribonucleic acid) là phân tử mang thông tin di truyền quy định mọi hoạt động sống (sinh trưởng, phát triển và sinh sản) của người và hầu hết các loài sinh vật khác. Bên cạnh đó, ADN còn là cơ sở để cấu thành nên bộ gen của mỗi người và là một tổ hợp nhất định của các đơn phân nucleotide với cấu trúc đa dạng, góp phần tạo nên đặc điểm riêng biệt của từng cá nhân (thể chất, ngoại hình, tính cách,…). Chính vì vậy, ADN của mỗi người là duy nhất, không thay đổi theo thời gian và thông tin sinh trắc học về ADN là loại thông tin có tính đặc trưng, đại diện trọn đời cho một người.

Thông tin sinh trắc học về ADN được dùng để tích hợp vào cơ sở dữ liệu căn cước gồm một phần rất nhỏ của ADN gọi là STR và chủ yếu sử dụng trong định danh, truy nguyên cá thể. Theo luật Căn cước số 26/2023/QH15 tại Việt Nam thì thông tin sinh trắc học về ADN sẽ được thu thập một cách tự nguyện trong quá trình làm căn cước của người dân. Nói cách khác thì công dân có nhu cầu thực hiện tích hợp thông tin sinh trắc học về ADN sẽ chủ động đề nghị trực tiếp tại nơi làm căn cước hoặc qua các ứng dụng định danh quốc gia.

2. Lợi ích khi tích hợp thông tin sinh trắc học về ADN

Việc thực hiện tích hợp thông tin sinh trắc học về ADN vào dữ liệu căn cước được xem là một bước tiến nhảy vọt trong vấn đề an sinh xã hội, đem lại nhiều lợi ích lâu dài cho người dân cũng như cho sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thông tin ADN dạng STR sẽ được sử dụng để xác minh danh tính công dân trong những trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, hỗ trợ nhận diện người thân,… góp phần vào việc “An sinh dự phòng” (Dự phòng biến cố, bình ổn xã hội, an tâm mọi nhà).

Không chỉ vậy, việc có thêm thông tin về dữ liệu sinh trắc (ADN, giọng nói) sẽ góp phần hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, quản lý dân cư, phòng chống tội phạm,… trở nên tốt hơn.

Ngoài ra, trường hợp công dân sử dụng thêm dịch vụ giải trình tự gen của các đơn vị chuyên môn nhằm khai thác thêm các thông tin khác về ADN của mình thì còn nhận được thêm các lợi ích như biết về tình trạng sức khỏe, tầm soát nguy cơ bệnh, khuynh hướng phát triển,…

3. Hướng dẫn công dân tích hợp thông tin sinh trắc học về ADN

Những công dân muốn thực hiện tích hợp thông tin sinh trắc học về ADN vào dữ liệu căn cước sẽ thực hiện theo quy trình 4 bước. Cụ thể như sau:

  • Bước 1: Công dân tiến hành đăng ký tích hợp thông tin sinh trắc học về ADN và sẽ được hướng dẫn thủ tục, điều phối tới điểm thu mẫu gần nhất.
  • Bước 2: Tại điểm thu mẫu, công dân sẽ cần phải xác thực thông tin thông qua thẻ căn cước công dân gắn chip.
  • Bước 3: Các chuyên viên sẽ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm ADN và mẫu sau thi thu sẽ được niêm phong lại, chuyển về phòng thí nghiệm để tách chiết, phân tích.
  • Bước 4: Nhận kết quả trong vòng 7 ngày làm việc và sau khi có kết quả, công dẫn sẽ tiến hành yêu cầu tích hợp thông tin sinh trắc học về ADN vào dữ liệu căn cước tại các cơ quan quản lý căn cước.

Lưu ý: Đối với công dân đã có kết quả xét nghiệm ADN định danh thực hiện tại những cơ quan, tổ chức đảm bảo được điều kiện do cơ quan quản lý căn cước Bộ công an công bố thì trong quá trình thực hiện thủ tục cấp/đổi lại/cấp lại căn cước, công dân sẽ cung cấp thông tin liên quan để cán bộ thu nhận thực hiện yêu cầu tích hợp thông tin ADN vào hệ thống.